15:04 01-12-2024
Được Phó tổng Thanh tra Chính phủ "mở đường", ông Nguyễn Cao Trí đã chi tiền để tác động nhiều cán bộ "bẻ lái" kết luận thanh tra, thâu tóm siêu dự án Đại Ninh đang bị kiến nghị thu hồi, theo cáo trạng.
Cựu Phó tổng Thanh tra Chính phủ mở đường cho đại gia "bẻ lái" dự án Đại Ninh
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSND Tối cao), ông Trí đã lợi dụng mối quan hệ và sử dụng tiền, lợi ích vật chất để móc nối với một số người có chức vụ quyền hạn tại Trung ương và tỉnh Lâm Đồng. Mục đích của hành vi này là nhằm "điều chỉnh trái pháp luật" các quyết định đúng đắn của Nhà nước, giúp dự án Đại Ninh không bị thu hồi, được giãn tiến độ. Từ đó, ông Trí thâu tóm dự án và "chuyển nhượng ngay để trục lợi".
Ông Trần Văn Minh, khi đó là Phó tổng Thanh tra Chính phủ, được xác định là người đã hướng dẫn ông Trí gửi đơn đến lãnh đạo Chính phủ thông qua Văn phòng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời chuyển đơn đến Thanh tra Chính phủ làm căn cứ xem xét giải quyết. Vào giữa tháng 1/2021, sau khi thống nhất bằng miệng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã giao Cục II lập tổ công tác xác minh đơn của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lại công văn của Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhận thấy "đây chỉ là hình thức chuyển đơn, chưa có chỉ đạo cụ thể".
Cựu Phó tổng Thanh tra Chính phủ mở đường cho đại gia "bẻ lái" dự án Đại Ninh
Để tiếp tục "bẻ lái" kết luận thanh tra, ông Trí đã chi tiền đưa hối lộ thêm một lần nữa. Chưa đầy một tuần sau, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ theo hướng cụ thể, "mạnh mẽ" hơn. Thấy đã đến thời điểm thích hợp, ông Minh ký quyết định về việc xác minh nội dung kiến nghị của doanh nghiệp theo hướng làm rõ kiến nghị, cho phép tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Đoàn thanh tra do ông Lê Quốc Khanh, Phó cục II, làm tổ trưởng. Quá trình xác minh, tổ công tác biết rõ Sài Gòn Đại Ninh không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án. Do đó, họ đã hướng dẫn ông Trí hợp thức các tài liệu về năng lực tài chính. Ông Trí đã thuê Công ty Kiểm toán DFK lập gấp báo cáo kiểm toán, xác định vốn góp của Sài Gòn Đại Ninh là 2.000 tỷ đồng nhưng không có chứng từ chứng minh.
Ngoài ra, ông Trí còn huy động tiền để chuyển đủ 2.000 tỷ đồng vào tài khoản tiền gửi của công ty để Ngân hàng Sacombank xác nhận số dư trên tài khoản ở thời điểm góp vốn là 2.000 tỷ đồng. Sau khi được ghi nhận xong, ông Trí chỉ đạo rút toàn bộ tiền trong tài khoản để tất toán các khoản vay đã huy động trước đó.
Trong quá trình tổ công tác xuống TP HCM thu thập tài liệu, ông Trí đã mời ông Khanh đi ăn tối để cung cấp giấy tờ chứng minh năng lực tài chính theo hướng dẫn trước đó. Tài liệu gồm: văn bản xác nhận của Sacombank xác nhận số dư 2.000 tỷ đồng trên tài khoản tiền gửi, thư cam kết cấp tín dụng 2.000 tỷ đồng và báo cáo kiểm toán của Công ty Kiểm toán DFK. Ông Trí khai tại bữa ăn này đã đưa cho ông Khanh phong bì 200 triệu đồng để cảm ơn. Tuy nhiên, ông Khanh phủ nhận lời khai này.
Ngày 10/5/2021, ông Minh ký báo cáo gửi Chính phủ kiến nghị điều chỉnh kết luận thanh tra theo hướng cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ dự án. Cùng lúc, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đồng thuận với báo cáo của Thanh tra Chính phủ. Khi đã có ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giao thực hiện, ngày 30/6/2021, ông Minh ký kết luận sửa đổi kết luận thanh tra. Dự án từ bị kiến nghị thu hồi thành không thu hồi, tiếp tục cho gia hạn, giãn tiến độ thực hiện.
VKS xác định dù không có quy định thanh tra lại nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn ban hành kết luận thanh tra sửa đổi - trái quy định pháp luật. Các bị can từng là cán bộ Thanh tra Chính phủ vẫn nhận thức được kiến nghị chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất là đúng quy định, nhưng quá trình làm việc đều nhận tiền của Trí để sử dụng tài liệu hợp thức, báo cáo không trung thực về năng lực tài chính.
Sau khi được giúp đỡ cho gia hạn, giãn tiến độ dự án, ông Trí đã hai lần đến nhà riêng của ông Minh để đưa tổng cộng 10 tỷ đồng. Trong đó, ông Trí trực tiếp đưa cho ông Minh 8 tỷ đồng và đưa cho con trai ông Minh 2 tỷ đồng. VKS cho rằng ông Minh đã trực tiếp thỏa thuận, hướng dẫn ông Trí gửi đơn kiến nghị và nhận 10 tỷ đồng để dự án không bị thu hồi.
Từ khi dự án được chấp thuận cho giãn tiến độ, Sài Gòn Đại Ninh không triển khai, không xây dựng bất cứ hạng mục mới nào và thậm chí còn tiếp tục để xảy ra 24 vi phạm. Toàn bộ dự án lẽ ra phải được thu hồi cho Nhà nước, nhưng ông Trí đã bán cho Công ty Thiên Vương của Tập đoàn Novaland với giá trị thực tế là 27.600 tỷ đồng. Công ty Thiên Vương sau đó đã thanh toán 2.700 tỷ đồng.
Ông Trí bị cáo buộc hối lộ tổng 7,05 tỷ đồng để đạt được mục đích. VKS xác định 2.700 tỷ đồng Trí nhận của Novaland là số tiền hưởng lợi bất chính, có được từ chuỗi hành vi phạm tội của Trí và đồng phạm. Nhà chức trách cho rằng cần tịch thu sung công quỹ số tiền thu lợi bất chính này, tranh chấp giữa Trí và Novaland sẽ được giải quyết ở thủ tục dân sự.
Ngoài vụ án này, ông Trí còn là bị cáo trong đại án Vạn Thịnh Phát, vừa được VKSND Cấp cao đề nghị tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt từ 8 năm xuống 5-6 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.