19:06 20-10-2024
Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, thống nhất với các quy định của Đảng và các luật có liên quan để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
Đề xuất hoàn thiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng trong sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ
Theo Bộ Nội vụ, Hiến pháp năm 2013 đã quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia, Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã định hướng thay đổi tư duy trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ.
Chính phủ sẽ tập trung vào chức năng kiến tạo phát triển và quản lý vĩ mô, bao gồm xây dựng và hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; hướng dẫn tổ chức triển khai; thanh tra, kiểm tra, giám sát. Chính phủ cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Vai trò của Chính phủ cần được làm rõ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, đảm bảo xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, dân chủ. Chính phủ sẽ chủ động phản ứng chính sách linh hoạt với các tình huống cấp bách, thực hiện tốt chức năng đối ngoại, đối nội, thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ, tập trung lãnh đạo công tác chung của Chính phủ, không giải quyết công việc cụ thể thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Thủ tướng lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, phù hợp với cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp.
Bộ Nội vụ đề xuất làm rõ phạm vi trách nhiệm của Thủ tướng trong việc lãnh đạo của Chính phủ, lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật. Thủ tướng có trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ cần hoàn thiện theo hướng tăng cường trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ. Bộ trưởng chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chịu trách nhiệm báo cáo với Chính phủ.
Bộ Nội vụ đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các nội dung được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật.
Đây là yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bộ Nội vụ sẽ bổ sung các quy định chung liên quan đến nguyên tắc phân cấp, phân quyền, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực. Bộ cũng mong muốn xác định rõ nguyên tắc cấp nào làm thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn diện về nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ.