10:04 02-12-2024
Để tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị đã thông qua phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ. Theo đó, sẽ sáp nhập, kết thúc hoạt động của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, giảm tối thiểu 5 bộ và 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ: Phương án sáp nhập, kết thúc hoạt động của nhiều bộ, cơ quan
Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính sẽ sáp nhập, hình thành nên một cơ quan thống nhất quản lý các vấn đề tài chính, kế hoạch hóa và đầu tư. Sự sáp nhập này nhằm tăng cường sự phối hợp và thống nhất trong hoạch định và chi tiêu tài chính, tránh tình trạng chồng chéo trong quản lý.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ: Phương án sáp nhập, kết thúc hoạt động của nhiều bộ, cơ quan
Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng cũng sẽ sáp nhập, tạo ra một cơ quan chuyên trách về phát triển và quản lý hạ tầng giao thông, xây dựng. Phương án này nhằm tăng cường liên kết giữa hai lĩnh vực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống hạ tầng quốc gia.
Một số bộ nhỏ hơn cũng sẽ được sáp nhập hoặc chuyển giao nhiệm vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sáp nhập với Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý nhà nước về nông nghiệp và tài nguyên môi trường sẽ được giao cho bộ mới thành lập bằng cách sáp nhập Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ kết thúc hoạt động, các nhiệm vụ được chuyển sang Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng sẽ kết thúc hoạt động, chuyển giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam cũng sẽ kết thúc hoạt động, nhiệm vụ được chuyển sang Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan. Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ được chuyển về Ủy ban Dân tộc, thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo.
Ngoài việc sáp nhập và kết thúc hoạt động các bộ, cơ quan ngang bộ, phương án cũng đề ra việc nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các bộ. Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan là những đơn vị dự kiến sẽ được sắp xếp lại đầu tiên.
Các đơn vị bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng sẽ được xem xét sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC sẽ kết thúc hoạt động, chức năng, nhiệm vụ liên quan sẽ được chuyển về Đài Truyền hình Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.
Thông tấn xã Việt Nam sẽ được xây dựng thành cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam thành đài phát thanh quốc gia. Đài Truyền hình Việt Nam cũng sẽ được tái cơ cấu, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ Đài Truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, khi thực hiện phương án này sẽ giảm tối thiểu 5 bộ và 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Hiện nay, tổ chức bộ máy Chính phủ có 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Sau khi tinh gọn, số lượng bộ sẽ giảm xuống còn khoảng 13 hoặc 14, số lượng cơ quan ngang bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng sẽ được giảm xuống tương ứng.
Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giảm chồng chéo, lãng phí, tăng cường sự phối hợp và thống nhất trong quản lý nhà nước.