13:05 22-12-2024
Sáng 22/12, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TP.HCM đã chính thức đi vào hoạt động sau gần 20 năm được duyệt và 12 năm thi công. Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong hệ thống giao thông công cộng của thành phố.
Tàu điện ngầm TP.HCM chính thức lăn bánh sau gần 20 năm chờ đợi
7 giờ sáng ngày 22/12, đông đảo người dân TP.HCM đổ về ga Bến Thành để tham dự sự kiện khai trương tàu điện ngầm số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến tàu điện trong việc đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh của người dân, góp phần xây dựng môi trường giao thông công cộng bền vững và hiện đại.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki bày tỏ kỳ vọng Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ giúp kết nối các khu vực vận tải cao, khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng. Ông Ito Naoki cũng cho biết Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhờ vào thành công của dự án này.
Tàu điện ngầm TP.HCM chính thức lăn bánh sau gần 20 năm chờ đợi
Trong tháng đầu tiên vận hành, hành khách sẽ được miễn phí đi tàu điện ngầm và 17 tuyến buýt điện kết nối. Sau thời gian miễn phí, hành khách có thể lựa chọn các loại vé lượt, một ngày, ba ngày và theo tháng với mức giá từ 6.000 đồng đến 300.000 đồng. Người khuyết tật, người cao tuổi và các đối tượng theo chính sách của TP.HCM sẽ được miễn vé.
Metro Bến Thành - Suối Tiên có 17 đoàn tàu, mỗi tàu gồm 3 toa, sức chứa 930 hành khách. Giai đoạn đầu, mỗi ngày sẽ có 9 tàu hoạt động từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối, tần suất 8-12 phút/chuyến. Hành trình từ ga cuối Suối Tiên đến Bến Thành mất khoảng 30 phút, mỗi ga dừng khoảng 30 giây.
Tàu điện ngầm TP.HCM chính thức lăn bánh sau gần 20 năm chờ đợi
Được phê duyệt từ năm 2007, nhưng Metro Bến Thành - Suối Tiên phải mất 17 năm mới có thể đưa vào khai thác do gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai. Tổng mức đầu tư ban đầu gần 17.400 tỷ đồng, nhưng sau khi tính toán lại, tổng vốn lên đến hơn 43.700 tỷ đồng. Việc điều chỉnh dự án khiến dự án gặp khó khăn về thiếu vốn và chậm tiến độ.
Một trong những khó khăn lớn là Metro số 1 áp dụng mẫu hợp đồng quốc tế, trong khi đây là dự án đầu tiên triển khai loại hợp đồng này tại TP.HCM. Ban quản lý dự án đường sắt đô thị phải vừa tuân thủ hợp đồng với nhà thầu, vừa thực hiện theo pháp luật Việt Nam và yêu cầu từ nhà tài trợ, dẫn đến nhiều vướng mắc phát sinh.
Tàu điện ngầm TP.HCM chính thức lăn bánh sau gần 20 năm chờ đợi
Ngoài ra, giải phóng mặt bằng kéo dài, đại dịch Covid-19 bùng phát cũng khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng. Hàng loạt vướng mắc khiến Metro số 1 nhiều lần trễ hẹn, nhưng sau gần hai thập kỷ chờ đợi, người dân TP.HCM cuối cùng đã được trải nghiệm loại hình vận tải mới.
Tuyến tàu điện đi vào hoạt động đóng vai trò kết nối giao thông từ trung tâm thành phố về cửa ngõ phía đông, giảm ùn tắc giao thông trên trục Võ Nguyên Giáp - xa lộ Hà Nội về Bình Dương, Đồng Nai. Công trình cũng là tiền đề để thành phố phát triển mạng lưới metro sắp tới.
Tàu điện ngầm TP.HCM chính thức lăn bánh sau gần 20 năm chờ đợi
TP.HCM trước đây được quy hoạch 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất với tổng chiều dài khoảng 220 km. Hiện tại, mạng lưới metro đang được nghiên cứu mở rộng lên 10 tuyến, dài 510 km, gấp hơn 2 lần quy hoạch cũ.
Tổng mức đầu tư cho hai giai đoạn phát triển hệ thống metro được ước tính khoảng 67 tỷ USD. Hệ thống metro hoàn chỉnh sẽ đáp ứng 50-60% nhu cầu vận tải hành khách công cộng của thành phố, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của TP.HCM.