20:10 12-10-2024
Bất chấp những thách thức từ các cuộc xung đột trên thế giới, thương mại toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, vai trò của các "quốc gia kết nối" như Việt Nam ngày càng được chú ý, giúp giảm thiểu nguy cơ phân mảnh kinh tế toàn cầu và đóng góp vào sự tăng trưởng của thương mại quốc tế.
Thương mại toàn cầu tăng trưởng, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng
Theo Báo cáo triển vọng thương mại toàn cầu mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu dự kiến tăng 2,7% trong năm 2024, cao hơn so với dự báo trước đó là 2,6%. Xu hướng này là nhờ vào sự phục hồi tích cực của thương mại hàng hóa trong nửa đầu năm 2024, với mức tăng 2,3% so cùng kỳ năm ngoái. Dự báo mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa cuối năm và kéo dài sang năm 2025.
Thương mại toàn cầu tăng trưởng, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng
Về mặt khu vực, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của châu Á tăng mạnh hơn so với châu Âu. Tổ chức WTO dự đoán rằng khối lượng xuất khẩu của châu Á sẽ tăng tới 7,4% vào năm 2024, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc. Nam Mỹ cũng đang trên đà phục hồi vào năm 2024, sau khi chứng kiến sự sụt giảm trong cả xuất khẩu và nhập khẩu vào năm 2023.
Mặc dù thương mại của châu Á tăng trưởng tích cực, nhưng hoạt động nhập khẩu của khu vực này lại có những xu hướng trái chiều. Trong khi xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn, thì ở các quốc gia khác như Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam, hoạt động này đang tăng mạnh.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala lưu ý rằng mặc dù có những lý do để kỳ vọng thương mại toàn cầu dần phục hồi, nhưng các quốc gia cần thận trọng trước những rủi ro tiềm ẩn như chủ nghĩa bảo hộ, xung đột địa chính trị và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, vai trò của các "quốc gia kết nối" như Việt Nam, Mexico và Ấn Độ trở nên rất quan trọng.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Ralph Ossa của WTO, nhiều hoạt động thương mại xuyên khu vực hiện đang được thực hiện thông qua các quốc gia kết nối này, giúp giảm thiểu nguy cơ phân mảnh kinh tế toàn cầu.
Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để trở thành một "quốc gia kết nối" trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Việt Nam cũng là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng, bao phủ gần 90% GDP toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí lao động thấp, cùng với vị trí địa lý thuận lợi có nhiều cảng nước sâu. Cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là những lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn như Samsung, Intel, Ford và Coca-Cola. Đặc biệt, Samsung đã đầu tư 4 cơ sở sản xuất tại Việt Nam, đóng góp tới 30% doanh thu của tập đoàn.
Sự đa dạng hóa nguồn sản xuất đưa Việt Nam trở thành địa điểm thay thế tiềm năng cho các nhà cung cấp trong lĩnh vực dệt may, giày dép. Việt Nam đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới cung ứng toàn cầu, đóng góp vào sự tăng trưởng của thương mại quốc tế và nền kinh tế thế giới.