04:05 24-10-2024
Ngành đường sắt nhẹ (LRT) đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trên toàn cầu, do nhu cầu ngày càng tăng đối với các giải pháp giao thông đô thị bền vững và hiệu quả. Theo báo cáo mới nhất, thị trường LRT được dự đoán sẽ tăng trưởng kép hằng năm xấp xỉ 13% trong vòng bảy năm tới.
Tiềm năng bùng nổ của thị trường đường sắt nhẹ trên toàn cầu
Đường sắt nhẹ, với đặc điểm không cần hàng rào chắn và khả năng chạy trên cao, mặt đất hoặc ngầm, đã trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các thành phố trên toàn thế giới. Chi phí xây dựng thấp hơn so với tàu điện ngầm, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng vận chuyển lượng lớn hành khách một cách an toàn và thân thiện với môi trường.
Tính đến năm 2021, thế giới đã có khoảng 16.000 km đường sắt LRT, phục vụ 14,662 triệu lượt khách mỗi ngày. Trung bình mỗi năm có 6,7 tuyến LRT mới được đưa vào hoạt động. Nhìn vào tiềm năng to lớn này, các chuyên gia dự báo thị trường LRT toàn cầu sẽ tăng trưởng đáng kể trong những năm tới.
Thị trường tiêu thụ đường sắt nhẹ toàn cầu được định giá 101,9 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 212,04 tỷ USD vào năm 2031. Lý do chính đằng sau sự tăng trưởng này là nhu cầu ngày càng tăng đối với hệ thống giao thông đô thị xanh, có hiệu quả về chi phí.
Các quốc gia Đông Nam Á không đứng ngoài cuộc chạy đua phát triển LRT. Philippines là một trong những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này, với tuyến LRT đầu tiên được xây dựng ở Manila cách đây 40 năm. Kể từ đó, quốc gia này đã mở rộng mạng lưới LRT của mình nên hơn 37 km, phục vụ hơn 305 nghìn lượt khách mỗi năm.
Singapore cũng đã đầu tư vào LRT từ những năm 1980. Hệ thống LRT của họ hiện dài hơn 30 km và phục vụ khoảng 184.000 lượt khách mỗi ngày. Năm 1998, Malaysia cũng đã đưa vào sử dụng tuyến LRT Kelana Jaya Line. Đến nay, tuyến này đã dài hơn 46 km, phục vụ khoảng 222.000 khách/ngày.
Indonesia cũng đã tham gia "sân chơi" LRT vào năm 2023, với tuyến LRT đầu tiên trị giá hơn 2 tỷ USD nối liền vùng Đại Jakarta. Thái Lan cũng có kế hoạch xây dựng tuyến LRT tại đô thị vệ tinh Khon Kaen vào năm 2025.
Tại Việt Nam, cả Hà Nội và TP.HCM đều đã đề cập đến LRT trong quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị nhưng chưa được đầu tư ngay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để giảm tải cho hạ tầng đường bộ và hướng tới mục tiêu Net Zero, mô hình LRT cần sớm được triển khai, đặc biệt là ở TP.HCM.
Ước tính mỗi năm, tình trạng ùn tắc giao thông khiến TP.HCM thiệt hại khoảng 6 tỷ USD. Hạ tầng kết nối của thành phố với các tỉnh thành lân cận vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trục kinh tế, du lịch ven sông Sài Gòn.
Mới đây, Tập đoàn Sun Group đã đề xuất xây dựng tuyến đường sắt nhẹ LRT dài gần 100 km nối thẳng TP.HCM với Tây Ninh. Đề xuất này được đánh giá là đột phá, sẽ mang lại giá trị lớn cho nền kinh tế - xã hội và sự liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương.
Với nhu cầu tăng cao và sự hỗ trợ của các tập đoàn kinh tế lớn, TP.HCM đang đứng trước cơ hội giải bài toán giao thông liên vùng, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho cả khu vực Nam Bộ.